NGHỊ QUYẾT 22-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Hội nhập quốc tế trên thực tế đã bắt đầu từ lâu, khi Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (1977), gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (1978). Tuy nhiên, quá trình phát triển tư duy về hội nhập quốc tế thực chất chỉ thực sự bắt đầu cùng với sự nghiệp Đổi mới. Thuật ngữ “hội nhập” được đề cập lần đầu tiên tại Đại hội VIII (1996). Đại hội IX (2001) và Đại hội X (2006) tiếp tục nhấn mạnh chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế”. Đến Đại hội XI (2011), “hội nhập kinh tế quốc tế” được chính thức chuyển thành “hội nhập quốc tế”, tức là hội nhập một cách sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực. Để triển khai thực hiện chủ trương này, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, thống nhất nhận thức về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, làm rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nội dung cơ bản và các định hướng giải pháp lớn về hội nhập quốc tế.
1. Hội nhập quốc tế đối với Việt Nam trong giai đoạn tới thực chất là một giai đoạn phát triển cao của hợp tác quốc tế, là quá trình áp dụng và tham gia xây dựng các quy tắc và luật lệ chung của cộng đồng quốc tế, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Hội nhập chính là chấp nhận, tham gia xây dựng và thực hiện các chuẩn mực quốc tế như quy tắc, luật lệ, tập quán và tiêu chuẩn chung. Các chuẩn mực này có thể được hình thành từ các hiệp định, thoả thuận hoặc các chuẩn mực, tập quán được cộng đồng thế giới áp dụng rộng rãi.
Hội nhập diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đến các lĩnh vực khác và có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Hội nhập cũng diễn ra dưới nhiều hình thức như: (i) thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế; (ii) gia nhập các tổ chức quốc tế, áp dụng và tham gia xây dựng chuẩn mực của các tổ chức đó; (iii) tham gia các hoạt động quốc tế có áp dụng các chuẩn mực chung. Bên cạnh nhà nước, cả các chủ thể phi nhà nước (như doanh nghiệp, người dân, tổ chức v.v.) đều tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
2. Hội nhập quốc tế thời gian tới phải hướng tới cả ba nhóm mục tiêu cơ bản là phát triển, an ninh và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, cụ thể là: “củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
3. Quan điểm chỉ đạo chung của hội nhập quốc tế giai đoạn tới là “giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được tổng kết trong Cương lĩnh”.
Hội nhập quốc tế giai đoạn tới sẽ phải quán triệt một số quan điểm chỉ đạo cụ thể: Thứ nhất, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Thứ hai, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; Thứ ba, hội nhập quốc tế phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; Thứ tư, “hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”; Thứ năm, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu; Thứ sáu, nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế.
4. Hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Một là, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; Hai là, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị sẽ được triển khai trên cả hai cấp độ song phương lẫn đa phương, thông qua các kênh ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và ngoại giao nhân dân; Ba là, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh sẽ được đẩy mạnh theo hướng tham gia các hoạt động hợp tác ở mức độ cao hơn; đặc biệt, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, diễn tập chung và các hoạt động khác; Bốn là, hội nhập trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế v.v. phải nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết và đóng góp vào sửa đổi, hoàn thiện, xây dựng các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức quốc tế.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sẽ được thành lập để chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp các hoạt động hội nhập quốc tế. Các cơ chế liên ngành về hội nhập quốc tế hiện tại sẽ sáp nhập vào Ban Chỉ đạo. Chính phủ cũng sẽ có Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 22. Các Bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng và triển khai chương trình hành động của ngành mình thực hiện Nghị quyết.
Tựu trung lại, hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nhu cầu nội tại của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị là một bước tiến quan trọng về tư duy đối ngoại, đồng thời cụ thể hóa và xác định rõ các định hướng hành động cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn tới./.