BỘ NGOẠI GIAO
---***---
MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ TỔ CHỨC GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ VĂN HÓA CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UNESCO)
VÀ HỢP TÁC VIỆT NAM – UNESCO THỜI GIAN GẦN ĐÂY
I. Một số nét chính về tổ chức UNESCO
1. Trong 80 năm kể từ khi thành lập năm 1945, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã không ngừng khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị toàn cầu. Trước bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp với nhiều thách thức đa chiều như xung đột văn hóa, sắc tộc, tranh chấp lợi ích, dịch bệnh, chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội và bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin, UNESCO đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc tập hợp tri thức, trở thành “Ngôi nhà trí tuệ” toàn cầu. Trên nền tảng chủ nghĩa đa phương, UNESCO thúc đẩy hợp tác quốc tế dựa trên tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung, góp phần xây dựng nền văn hóa hòa bình, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các quốc gia.
2. UNESCO được các thành viên coi trọng trong nỗ lực đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, hợp tác giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông nhằm duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức toàn cầu và gia tăng vị thế. Các thành tựu trong hợp tác UNESCO đóng góp trên 5 lĩnh vực chuyên môn, cũng như quản trị tổ chức (cơ chế quản lý, tình hình ngân sách tài chính, tăng cường minh bạch và bình đẳng...) được đánh giá cao.
Bên cạnh thực hiện các chức năng truyền thống về giáo dục, văn hóa, khoa học và truyền thông, triển khai 4 ưu tiên (Châu Phi, các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển, bình đẳng giới và thanh niên), UNESCO đang chú trọng phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy các hướng ưu tiên mới phù hợp quan tâm hiện nay, trong đó: (i) thúc đẩy Giáo dục văn hoá và nghệ thuật, Khuyến nghị về giáo dục vì hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững, Quan hệ đối tác về giáo dục xanh… (ii) ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua các dự án khoa học đại dương, các chương trình công viên địa chất toàn cầu và các khu dự trữ sinh quyển, Thập kỷ về khoa học vì phát triển bền vững 2024-2033. (iii) xây dựng các công cụ, cơ chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới (đạo đức trong công nghệ thần kinh, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, quản trị số công bằng và chuyển đổi số)… để giải quyết những thách thức toàn cầu của khoa học và công nghệ. (iv) UNESCO đóng góp trực tiếp vào các vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai (9/2024), lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng Giám đốc UNESCO được mời với tư cách là đối tác đặc biệt tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Brazil, 11/2024). Hoa Kỳ dự kiến vẫn tiếp tục duy trì vai trò thành viên tại UNESCO, dù đã rút khỏi nhiều cơ chế đa phương then chốt.
3. Với tầm nhìn chiến lược và sức mạnh tri thức từ mạng lưới chuyên gia, học giả toàn cầu, UNESCO vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong xây dựng các chương trình nghị sự về những vấn đề lớn của thời đại. Tổ chức hiện quy tụ 193 quốc gia thành viên, là diễn đàn đa phương cho đối thoại, hợp tác và cùng xây dựng các chuẩn mực toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin và truyền thông, góp phần tạo dựng một trật tự thế giới nhân văn, công bằng và bền vững hơn.
II. Một số nét chính quan hệ Việt Nam – UNESCO
1. Thông tin chung
- Quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO là một hình mẫu hợp tác bền vững, ngày càng thực chất và hiệu quả. Kể từ khi chính thức gia nhập UNESCO vào tháng 7/1976, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, không ngừng phát huy vai trò trong việc xây dựng tổ chức và đóng góp vào những vấn đề chiến lược của quốc tế. Trong 49 năm qua, Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan chuyên môn then chốt của UNESCO như Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản Thế giới, Ủy ban Liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, và Công ước về sự đa dạng văn hóa... Việt Nam cũng đã ký kết và triển khai ba thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2011-2015, 2016-2021 và 2021-2025.
- Hiện nay, Việt Nam đang đảm nhiệm và phát huy tốt vai trò thành viên của 05 cơ chế quan trọng của UNESCO gồm: Phó Chủ tịch Đại hội đồng 42, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Phó Chủ tịch Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiếp tục đảm nhận vai trò thành viên Ban thẩm định quốc tế Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2028, qua đó tiếp tục đóng góp vào việc hoạch định chính sách toàn cầu, thúc đẩy giá trị của đối thoại, hòa bình và phát triển bền vững.
- Một dấu mốc quan trọng, thể hiện sinh động chiều sâu của quan hệ Việt Nam - UNESCO là chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tới trụ sở UNESCO tại Paris tháng 10/2024. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm UNESCO, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, đối thoại văn hóa và vai trò trung tâm của UNESCO trong việc kiến tạo hòa bình bền vững. Chuyến thăm góp phần mở ra giai đoạn hợp tác mới, sâu sắc hơn, toàn diện hơn giữa Việt Nam và UNESCO trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Tính đến tháng 5/2025, Việt Nam hiện sở hữu 72 danh hiệu và di sản được UNESCO ghi danh/công nhận, trải rộng từ di sản văn hóa, thiên nhiên, tư liệu cho tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu và Thành phố sáng tạo. Những danh hiệu này không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn là động lực quan trọng đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, đồng thời làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa gìn giữ bản sắc văn hóa, cũng nhưgóp phần làm giầu thêm kho tàng văn minh nhân loại.
2. Một số định hướng hoạt động trong năm 2025
- Củng cố, kiện toàn Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy UBQG UNESCO Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập từ năm 1977) theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan dành nguồn lực bao gồm cả nhân lực và tài lực tương xứng để đảm bảo duy trì và phát huy tốt nhất trong các hoạt động với tổ chức UNESCO.
- Tham gia chủ động, trách nhiệm, phát huy vai trò thành viên tích cực, nâng tầm vị thế Việt Nam tại UNESCO. Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại đa phương chủ động, tích cực, nhân văn và toàn diện. Việt Nam hiện là thành viên của 04 cơ chế then chốt của UNESCO và sẽ có kế hoạch ứng cử vào các cơ chế kế tiếp sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Cùng với việc tham gia đầy đủ các kỳ họp quan trọng của UNESCO, Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng tham gia, chủ động đóng góp sáng kiến, đề xuất chính sách, bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời thúc đẩy hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sáng tạo, phát triển bền vững và có trách nhiệm toàn cầu.
- Thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả với UNESCO và các đối tác quốc tế. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO, được nâng tầm bởi chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới trụ sở UNESCO tháng 10/2024, UBQG UNESCO tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác với Ban Thư ký, các cơ quan chuyên môn của UNESCO, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các đối tác song phương, đa phương khác. Tập trung xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với UBQG UNESCO các nước, mở rộng hợp tác khu vực, thúc đẩy hợp tác công - tư, xã hội hóa nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong các chương trình UNESCO, từ đó lan tỏa giá trị nhân văn và phát triển bền vững.
- Triển khai đồng bộ Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO 2021-2025 và xây dựng định hướng hợp tác 2026-2030. Năm 2025 là năm kết thúc Bản ghi nhớ hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025, UBQG UNESCO Việt Nam chủ trì đánh giá kết quả triển khai và xây dựng định hướng hợp tác mới giai đoạn 2026-2030. Trọng tâm gồm: (i) Phát huy vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là giáo dục chất lượng, khoa học mở, bảo tồn di sản và phát triển văn hóa; (ii) Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình ưu tiên như giáo dục vùng khó khăn, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, bảo tồn các hệ sinh thái và di sản thiên nhiên, thúc đẩy công nghệ và đạo đức trong trí tuệ nhân tạo; (iii) Phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế tại Việt Nam trong các lĩnh vực UNESCO phụ trách nhằm lan tỏa vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và toàn cầu.
- Đồng hành, hỗ trợ địa phương và bộ, ngành xây dựng, vận động, bảo vệ hồ sơ danh hiệu UNESCO. Tiếp tục phát huy vai trò đầu mối tư vấn, điều phối và hỗ trợ các tỉnh, thành phố, bộ, ngành trong việc xây dựng và bảo vệ các hồ sơ di sản văn hóa, thiên nhiên - tư liệu - địa chất - sinh quyển - thành phố sáng tạo - học tập toàn cầu. Tập trung vào các hồ sơ trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, Tranh dân gian Đông Hồ, Thành phố sáng tạo toàn cầu đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố học tập toàn cầu đối với Hà Nội, Mo Mường, Nghệ thuật Chèo, Võ Bình Định, di tích Óc Eo - Ba Thê, Thành Cổ Loa, Địa đạo Củ Chi, di tích Hang Con Moong… Cùng với đó là vận động vinh danh các danh nhân văn hóa Việt Nam như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đảm bảo các danh hiệu đã được công nhận tiếp tục được phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Tăng cường gắn kết quan hệ Việt Nam - UNESCO thông qua đón lãnh đạo, chuyên gia UNESCO và tổ chức các sự kiện quốc tế trọng điểm tại Việt Nam năm 2025. UBQG UNESCO Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quantổ chức đón Tổng Giám đốc UNESCO, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UNESCO thăm chính thức Việt Nam, góp phần thúc đẩy đối thoại cấp cao, mở rộng hợp tác chiến lược và khẳng định vai trò chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong hệ thống UNESCO. Cùng với đó, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức các sự kiện quốc tế như: Liên hoan phim quốc tế châu Á – Đà Nắng gắn với kỷ niệm 20 năm Công ước 2005 (tháng 6/2025); Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế (IHP) khu vực châu Á - tại Hà Nội (tháng 10/2025); đồng thời cử đoàn tham dự Hội nghị Thế giới về Chính sách Văn hóa vì Phát triển Bền vững (MONDIACULT) 2025 do UNESCO tổ chức tại Tây Ban Nha. Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc triển khai các chương trình ưu tiên của UNESCO, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và hình ảnh một Việt Nam tích cực, sáng tạo và hội nhập sâu rộng./.
Hà Nội, tháng 6/2025