EMC Đã kết nối EMC
Hỏi đáp với chúng tôi

Chào mừng các bạn đã tới với Bộ Ngoại Giao !

Những câu hỏi thường gặp
  • Bạn muốn biết gì về Bộ Ngoại Giao ?
Thứ Tư, ngày 26 tháng 3 năm 2025

TÀI LIỆU CƠ BẢN
VỀ TỔ CHỨC HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ (OECD)
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành lập năm 1960, hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế và phát triển. OECD có nhiều ảnh hưởng đến các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển kinh tế ở tầm toàn cầu. 
Ngoài các chương trình hoạt động với các nước thành viên, OECD có một số cơ chế với sự tham gia của các nước không phải thành viên như Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm phát triển OECD, v.v.
Tính đến tháng 9/2024, có 08 nước là ứng viên gia nhập (Argentina, Brazil, Bulgaria, Croatia, Indonesia, Peru, Romania và Thái Lan) và 05 nước đối tác chủ chốt (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi).
Hợp tác song phương Việt Nam – OECD chủ yếu thông qua các dự án quốc gia cụ thể và chương trình Đông Nam Á (SEARP), bằng nhiều hình thức, bao gồm tham gia vào các cơ quan của OECD, các báo cáo rà soát chính sách quốc gia, tham gia đóng góp dữ liệu cho hệ thống dữ liệu của OECD, các hoạt động đo lường/đánh giá và tuân thủ các tiêu chuẩn của OECD.
 

1. Quan hệ Việt Nam – OECD giai đoạn 2016-2020
Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã phối hợp với OECD tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo và qua đó tranh thủ được sự tham gia của các chuyên gia OECD thảo luận, tư vấn về các vấn đề cấp bách và ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta như nâng cao năng suất lao động, phát triển bao trùm, Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế, v.v. 
Một số sản phẩm nghiên cứu, đánh giá chính sách Việt Nam: Chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp tại Việt Nam (2021), Khuôn khổ bao trùm cho Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS): Hoạt động 14 (2021), Báo cáo đa chiều Việt Nam - Hướng tới nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững (2020), Đánh giá chính sách đầu tư cho Việt Nam (2018).

 (1) Các nước thành viên OECD gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ca-na-đa, Ốt-xơ-trây-li-a, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Niu Di-lân, Na-uy, Áo, Bỉ, Chi-lê, Séc, Ét-xơ-tô-ni-a, Hy Lạp, Hung-ga-ri, Ai-xơ-len, Ai-len, I-xa-ren, I-ta-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lát-vi-a, Lít-va, Lúc-xăm-bua, Mê-hi-cô, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Xơ-lô-vác-ki-a, Xơ-lô-ve-ni-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Cô-lôm-bi-a, Cốt-xơ-ta Ri-ca.

(2) Các sự kiện Việt Nam đã phối hợp tổ chức: Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm 2016 tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á”; Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của OECD tại Hà Nội (2019); Hội thảo “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với chính sách công nghiệp và hàm ý cho Việt Nam” nhằm giới thiệu và xây dựng nhận thức về CMCN lần thứ 4 tại Việt Nam; và Hội thảo “Phục hồi phát triển kinh tế và hội nhập: Bối cảnh toàn cầu mới và lựa chọn chính sách cho APEC” nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chủ đề và chương trình cho Hội nghị cấp cao APEC 14.

2. Quan hệ Việt Nam – OECD giai đoạn 2021-nay
2.1. MOU Việt Nam – OECD giai đoạn 2022-2026:

Hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác (MOU) Việt Nam – OECD giai đoạn 2022-2026 nhân chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. MOU này đã thiết lập một khuôn khổ hợp tác hoàn chỉnh, mở ra một giai đoạn mới cho hợp tác Việt Nam – OECD với nhiều nội dung hợp tác cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực quan tâm chung của hai bên như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, v.v. 
Tại Hội nghị Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á tại Hà Nội (tháng 10/2022), hai bên đã công bố chương trình hành động thực hiện MOU trên, gồm 7 dự án đang triển khai, đã bảo đảm kinh phí hoặc có khả năng vận động được tài trợ và 8 dự án tiềm năng hiện chưa có kinh phí triển khai.
 

2.2. Về Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD và nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch 2022 – 2025 của Việt Nam:
- Chương trình Đông Nam Á (Southeast Asia Regional Programme – SEARP):

Từ năm 2007, OECD thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược. Được công bố theo sáng kiến của Nhật Bản từ năm 2014, Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) trở thành một trong 05 chương trình khu vực của OECD. Chương trình hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm thông qua 13 lĩnh vực hợp tác. 
Từ khi thành lập, Chương trình đã trải qua hai nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch (Nhật Bản và Indonesia cho nhiệm kỳ 2014-2018, Hàn Quốc và Thái Lan cho nhiệm kỳ 2018-2022). Việt Nam và Australia đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.
Việt Nam là thành viên tích cực của Chương trình SEARP kể từ khi Chương trình thành lập năm 2014. Hàng năm ta tham gia các cuộc họp Quan chức cao cấp và cử đoàn tham dự và đóng góp tại các Diễn đàn khu vực của OECD trong khuôn khổ Chương trình SEARP. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã phối hợp với OECD tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo và qua đó tranh thủ được sự tham gia của các chuyên gia OECD thảo luận, tư vấn về các vấn đề cấp bách và ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta như nâng cao năng suất lao động, phát triển bao trùm, Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế, v.v.
(3) Chương trình SEARP tập trung vào 13 lĩnh vực hợp tác, gồm 6 Mạng lưới chính sách khu vực (Regional Policy Network – RPN) về Thuế, Thực tiễn quản trị tốt, Chính sách đầu tư và chính sách xúc tiến đầu tư, Giáo dục và Phát triển kỹ năng, Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), và Hạ tầng bền vững; 03 mảng Sáng kiến (Initiatives) về Thương mại, Đổi mới sáng tạo và Vấn đề giới; và Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. 

(4) Các sự kiện Việt Nam đã phối hợp tổ chức gồm: (i) Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm 2016 tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á”; (ii) Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của OECD tại Hà Nội (2019); (iii) Hội thảo “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với chính sách công nghiệp và hàm ý cho Việt Nam” nhằm giới thiệu và xây dựng nhận thức về CMCN lần thứ 4 tại Việt Nam; và (iv) Hội thảo “Phục hồi phát triển kinh tế và hội nhập: Bối cảnh toàn cầu mới và lựa chọn chính sách cho APEC” nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chủ đề và chương trình cho Hội nghị cấp cao APEC 14.

- Việt Nam đảm nhận Đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2022 – 2025:
 Tại Hội nghị Bộ trưởng Chương trình SEARP (09-10/02/2022, Seoul, Hàn Quốc), Việt Nam và Australia đã chính thức tiếp nhận vai trò Đồng Chủ tịch từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Việc Việt Nam lần đầu được tín nhiệm là Đồng Chủ tịch Chương trình nhiệm kỳ 2022-2025 cùng Australia có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu tiên ta đảm nhiệm vị trí chủ trì một cơ chế tiêu chuẩn cao của một tổ chức Việt Nam không phải là thành viên, khẳng định sự ghi nhận vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, cũng như tin tưởng của các nước OECD và khu vực đối với năng lực của Việt Nam trong gắn kết hiệu quả OECD và khu vực. 
Trong khuôn khổ Đồng Chủ tịch SEARP, từ năm 2022 đến nay, Việt Nam đã cử 05 cán bộ điều phối tại Ban Thư ký OECD nhờ tài trợ của Australia. 
Trong nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch, Việt Nam đã chủ trì tổ chức 02 Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á (năm 2022 và 2023) với chủ đề thiết thực, gắn chặt với nhu cầu của các nước trong khu vực và phù hợp với ưu tiên, thế mạnh của các nước OECD. Các Diễn đàn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước thành viên OECD và ASEAN, với hơn 1.000 khách tham dự và nhiều đoàn cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng/ Quốc vụ khanh, Đại sứ các nước OECD tại Paris, Đại sứ các nước tại Hà Nội, các quan chức cao cấp, chuyên gia, học giả và doanh nghiệp.
Ngày 2/5/2025, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam, với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD nhiệm kỳ 2022-2025, tham dự Diễn đàn Khu vực Đông Nam Á với chủ đề “OECD và Đông Nam Á: Quan hệ đối tác vì Thịnh vượng” tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. 
Ngày 03/6/2025, tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) 2025 diễn ra ở Paris, Pháp, Việt Nam và Australia đã chuyển giao vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD cho Canada và Philippines.
 

2.3. Việt Nam và Trung tâm Phát triển OECD (DEV)
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD năm 2008. Trung tâm Phát triển OECD là nền tảng chia sẻ tri thức và đối thoại chính sách giữa các nước thành viên OECD và các nước đang phát triển chưa phải thành viên. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của một trong những cơ chế trực thuộc OECD.
Việc Việt Nam tham gia Trung tâm Phát triển OECD đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Ta tranh thủ được nhiều tư vấn, hỗ trợ chính sách dựa trên thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên và chưa phải thành viên của OECD thông qua nhiều diễn đàn và đối thoại và tận dụng được mạng lưới rộng lớn của các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư phát triển trên toàn cầu. Đặc biệt, thông qua Trung tâm Phát triển OECD, Việt Nam đã xây dựng thành công Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) vào năm 2020. Báo cáo này đóng vai trò quan trọng và hữu ích trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021–2025 của Việt Nam.

(5) Diễn đàn Cao cấp OECD – Đông Nam Á năm 2022 có chủ đề “Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”. Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á năm 2023 có chủ đề “Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD – Đông Nam Á”; Diễn đàn Đầu tư Việt Nam – OECD năm 2023 có chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững.”
 

2.4. Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM)
Hội nghị MCM là Hội nghị cấp Bộ trưởng thường niên ở cấp cao nhất (cấp Hội đồng Bộ trưởng) của OECD, ra quyết định đối với các vấn đề lớn của OECD như kết nạp thành viên, thông qua các tài liệu quy định tiêu chuẩn quản trị, v.v.
Năm 2022, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO Lê Thị Hồng Vân tham dự Hội nghị.
Năm 2023, nhận lời mời của Tổng Thư ký OECD, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh (Chủ tịch OECD năm 2023), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị MCM năm 2023 (07-8/6/2023, tại Paris). Đây là lần đầu tiên OECD mời Việt Nam và một số khách mời tham dự tất cả các phiên của Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD. Với chủ đề “Đảm bảo tương lai tự cường: Các giá trị chung và đối tác toàn cầu”, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính/Kinh tế 38 thành viên OECD và 11 đối tác khách mời, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, Mạng lưới doanh nghiệp OECD. Đây là lần đầu tiên OECD thông qua Khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định coi trọng quan hệ với các nước khu vực, nhất là các nước Đông Nam Á. Thời gian tới, OECD sẽ thúc đẩy các nước xem xét gia nhập OECD.
Năm 2024, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị MCM năm 2024 kết hợp tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình SEARP (Paris, ngày 01-02/5/2024) và tiến hành một số hoạt động song phương tại Pháp. Một số nước Đông Nam Á khác tham dự là Indonesia, Thái Lan và Lào (Chủ tịch ASEAN năm 2024). Hội đồng OECD đã thông qua 14 tài liệu, bao gồm: Lộ trình gia nhập OECD của Indonesia và Argentina; Báo cáo của TTK về Quan hệ toàn cầu của OECD; Định hướng chiến lược của TTK giai đoạn 2025-2026; Kế hoạch triển khai Khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của OECD; Cập nhật thường niên của OECD về vấn đề thiết lập tiêu chuẩn; Cập nhật Khuyến nghị của Hội đồng về Trí tuệ nhân tạo; Cập nhật Khuyến nghị của Hội đồng về Hướng dẫn Quản trị doanh nghiệp nhà nước; Cập nhật Tuyên bố của OECD về Đầu tư quốc tế và Doanh nghiệp đa quốc gia; v.v.
(6) Gồm Ai Cập, Brazil, Bulgaria, Croatia, Hồng Công, Peru, Romania, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam.

Năm 2025, tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) 2025 diễn ra ở Paris, Pháp (từ ngày 03-04/6/2025), Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng là Trưởng đoàn, khẳng định Việt Nam với vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của SEARP như một nền tảng hợp tác khu vực hiệu quả và lâu dài. 
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ chuyển giao vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD giữa Australia, Việt Nam và Canada, Philippines.

Cập nhật tháng 06/2025.